CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 21,23–27
Noel Quesson - Chú Giải
BÀI ĐỌC I: Ds 24, 2-7;15-27
Lời tiên báo chúng ta sắp đọc hôm nay khá lạ lùng. Nó được loan báo trong các hoàn cảnh như sau:
Trong cuộc xuất hành, sau bốn mươi năm đi qua sa mạc Sinai, dân Israel dưới sự dẫn dắt của Môsê, đã tiến tới phía Đông biển chết, gấn đất hứa. Nhưng họ phải qua lãnh thổ dân Moab. Và vị Vua xứ này không thiện cảm với dân người du' mục đang muốn đi ngang qua. ông sai tìm ở bờ sông Euphrata một người bói toán danh tiếng, một thứ phù thủy quyền phép, để chúc dữ những kẻ quấy rầy này, và thải cho họ một số kiếp hẩm hiu. Vậy Balaam là một ngôn sứ ngoại giao.
Balaam ngước mắt lên nhìn Israel cắm trại theo từng bộ lạc và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm.
Thật lạ lùng!
Ngay trong Cựu Ước đã cho thấy rằng: Thánh Thần Chúa không bị khép kín trong những giới hạn chật hẹp của một dân tộc hay một thể chế. Thiên Chúa không chỉ là Chúa của “dân ưu tuyển "... Người là Chúa của mọi người. Hành động của Người không bị đóng khung trong các thể chế của luật Môsê.
Ngày nay cũng thế, sự thật vẫn vậy. Thiên Chúa đã chọn Giáo hội như một phương tiện cứu rỗi thế gian. Nhưng ơn Người, hành động thần linh của Người không bị giới hạn trong những ranh giới hữu hình của Giáo hội. Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần Người, vẫn hiện diện trong lòng các lương dân. Người làm việc trong lòng mọi người…
Tôi giữ sự im lặng cần thiết để chiêm ngưỡng Thiên Chúa hành động hôm nay trong lòng những người không được cứu chuộc cách hữu hình trong Giáo hội.
Lời sấm ngôn của Balaam, lời sấm của Người đang mở mắt, lời sấm của Người nghe lời Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa cũng đòi con mài sắc cái nhìn để thấy rõ hơn... Con chưa biết “nhìn " đủ , chưa biết “nghe " đủ các dấu chỉ của thời đại. Thiên Chúa tiếp tục hành động và ngỏ lời. Lạy Chúa, Chúa muốn nói gì với Con? Chúa muốn con ghi nhận gì hôm nay?
Một hào kiệt lớn lên trong dòng dõi của ngươi và thống trị trên những dân tộc đông đúc...
Đức tin đưa chúng ta về tương lai của thế giới. Nó cho chúng ta thấy trước “điều phải đến " Chúa Kitô đang lớn lên cho tới khi Người đến cách dứt khoát.
Trong thinh lặng, tôi lục tìm trong tôi, quanh tôi , những dấu chỉ của sự tăng trưởng này. Mọi người phát triển, nên tốt hơn...chính Chúa Ki tô đang lớn lên.
Chú ý! Điều này không rực rỡ gì mà chỉ là những dấu chỉ bé nhỏ.
Tôi thấy Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người không phải gần. Một ngôi sao từ Giacob mọc lên, một phủ việt từ Israel xuất hiện.
Phải, điều này chưa rõ ràng lắm. Người ta khó thấy. Phải có cặp mắt tốt để phân định sự việc.
Như thế, lời loan báo về Đấng Thiên Sai đã đóng mốc cả lịch sử, bao gồm cả lương dân có thiện chí ! Trong mùa vọng này, chúng ta phải tập nhìn.
BÀI ĐỌC II: Mt 21, 23-27
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị, thời gian mở đường. Những quyết định lớn, những dấn thân quan trọng ít khi xuất phát cách tự nhiên, mà không được chuẩn bị lâu. Trước việc tuyển chọn "Đức Giêsu”, một tuyển chọn được coi là rất mới mẻ, người ta sẽ lìa bỏ một tuyển chọn trước đây đối với Gioan Tẩy Giả. Lập trường mà người ta đã xác định trước tiếng kêu mời của Gioan Tẩy giả, sẽ chuẩn bị cho lập trường mà người ta sẽ bày tỏ đối với lời kêu gọi của Chúa Giêsu.
Hòm nay, tôi thử suy xét xem nhiều cách chọn lựa của con người, chung quanh tôi, và trong đời sống riêng tư của tôi có là những con đường dẫn tới Chúa Giêsu Kitô, hay đã bưng bít mọi bước tiến dẫn đến Người…
Lúc Chúa Giêsu giảng dạy trong Đền thờ, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: "ông lấy quyền nào mà làm những điều này, ai đã ban quyền ấy cho ông?"
Trong trình thuật của Matthêu, câu hỏi này được đặt ra ngay sau cảnh Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán nơi Đền thờ (Mt 21, 12-17) Trước một “pha cảnh" như thế, người ta" không thể có thái độ thản nhiên được. Cần phải xác định lập trường. Đó là một thứ song quan luận: hoặc là... hoặc là...
Chúa Giêsu trả lời: "đến lượt tôi, tôi cũng hỏi các ông một điều chỉ một điều thôi..."
Lạy Chúa Giêsu, con thích nhìn Chúa trong tư thế đó như một con người giàu nghị lực, một người không để mình bị người ta bắt bí, một người dám phản công.
Đó thường là chiến thuật của Chúa: Thay vì trả lời, Chúa lại đặt một câu hỏi khác.
Tôi có chấp nhận để mình bị hạch hỏi không?
Tôi có thuộc vào số những người chỉ biết dùng thời giờ để đặt những câu hỏi với Thiên Chúa, như thể chính tôi là trung tâm vũ trụ và Thiên Chúa phải phục vụ tôi không? Hay tôi tự mình để Thiên Chúa chất vấn? Thái độ đầu tiên, đối với- việc tuyển chọn "Chúa Giêsu ", là thái độ sẵn sàng chấp nhận để Nguời làm chủ đời sống ta.
Lạy Chúa, Chúa sẽ đặt ra cho chúng con câu hỏi nào đây?
Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?
Quả thực; đó là câu hỏi căn bản nhất. Chúa Giêsu luôn đi thẳng vào điều cốt yếu.
Tuyển chọn nòng cốt là thế: Hoặc là ..hoặc là...Không còn có thể thoát thác. Toàn thể tương lai được quyết tuyển.
Họ bàn tính với nhau rằng "Nếu ta nói bởi trời thì ông sẽ nói với ta..." Nếu ta nói bởi người ta thì chúng ta lại sợ dân chúng.Vậy họ trả lời: "Chúng tôi không được biết”.
Thường chúng ta cũng vậy, trước những câu hỏi căn bản của Thiên Chúa, chúng ta chúng vừa trả lời ta lẩn tránh.
Ngày hôm nay, câu hỏi đó là gì? lời mời gọi là tôi cảm nghe như Chúa đang trao đổi với tôi thế nào? Tôi đáp lại tiếng mời gọi đó ra sao?
Tại sao các người không tin...?
Đức tin.
Nếu Thiên Chúa nói, kể cả nhờ đến một vị tiên tri như Gioan Tẩy Giả, kể cả ngang qua những con người và các biến cố để khuyến dụ tôi, thì làm sao tôi phải có thái độ nghi ngờ, tránh né như thế?
Tôi lắng nghe lời của Chúa Giêsu trên đây: "Tại sao các người không tin?”
Lạy Chúa, trước bất cứ những chọn lựa nào, dù to lớn hay nhỏ bé nhất, con cũng cần đến Chúa.
Tôi cũng không nói cho các ông biết, tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó.
Đưa ra một câu trả lời làm gì, nếu điều đó vô ích. Một lần nữa, cảnh trên được kết thúc bằng nỗi thất vọng của Thiên Chúa. Tôi chiêm niệm nỗi thất vọng này trong trái tim Chúa Kitô, để đừng phải nghe lại lời đó.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Câu hỏi về quyền bính của Chúa Giê-su
23Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? “.24Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? do Trời hay do người ta? “Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’26 Còn nếu mình nói: ‘ Do người ta ‘, thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ”.27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết”. Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông biết là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”.
Hoàn cảnh:
Những người đứng đầu dân Do Thái căm ghét Đức Giê-su và họ tìm cách giết người. Nhưng họ chưa dám cương quyết thi hành vì sợ dân chúng. Trong lúc chờ cơ hội, họ khẩu chiến với Người. Họ mong kiếm tìm được lời gì có thể buộc tội hay ít ra làm cho Người mất ảnh hưởng và dân chúng bớt ngưỡng mộ Người.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc các thượng tế và kỳ mục trong dân đến chất vấn quyền bính của Đức Giê-su.
TÌM HIỂU:
23 “Đức Giêsu vào đền thờ…”:
- Các thượng tế và kỳ mục mà theo Mác-cô 11,27 có cả các luật sĩ nữa. Như vậy là có cả ba thành phần của thượng hội đồng Do Thái giáo. Thượng hội đồng này có quyền xét xử tội nhân.
- Họ đặt câu hỏi về hai vấn đề:
+ Thứ quyền bính nào thôi thúc Đức Giêsu giảng dạy và chữa bệnh ngay cả nơi đền thờ?
+ Ai cho phép Người hành động như vậy?
24-26 “Đức Giêsu đáp…”:
Đức Giê-su đáp bằng cách đặt lại vấn đề với họ về sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả và nhường cho họ câu kết luận.
Đây không phải là Đức Giê-su tránh né vấn đề. Người chỉ muốn đặt vấn đề vào đúng vị trí về sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả, chuẩn bị cho sứ mệnh của Người, vì Gio-an có thông dự vào việc loan báo vương quyền Thiên Chúa. Như thế nói về Gio-an tức là nói về Đức Giê-su. Người đặt câu hỏi như vậy những người hạch hỏi Chúa tiến thoái lưỡng nan!
27 “Họ trả lời: chúng tôi không biết”:
Câu trả lời này chứng tỏ họ thiếu thiện chí. Toàn dân đều nhìn nhận Gioan là một ngôn sứ của Thiên Chúa sai đến; sứ vụ của ông là làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Các ông là bậc thầy mà không biết thì quả thực là thiếu thiện chí và cố chấp.
Chính vì họ cố chấp và thiếu thiện chí như vậy nên Đức Giê-su cũng không nói cho họ biết Người lấy quyền nào mà mà làm những điều ấy.
Thực ra Chúa đã nói nhiều bằng lời, bằng việc làm để chứng minh Người là Đấng Cứu Thế, nhưng họ không hiểu hay không muốn hiểu, nên Người có nói thêm cũng vô ích.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Lời chất vấn của những người cầm đầu dân Do Thái không phải để tìm hiểu nhưng để hạch sách, vì họ không chấp nhận sứ vụ của Chúa Giê-su. Cũng vậy, khi chúng ta không có thiện chí, hoặc thiếu khiêm nhường để thực thi giáo huấn của Chúa, chúng ta thường đặt vấn đề giáo huấn của Chúa khó quá, hoặc Chúa nói cho người khác chứ không cho mình, nên tự miễn chước cho mình việc thực hành.
2. Những thượng tế, kỳ lão và luật sĩ đã để lòng mình đầy ắp những sự kiêu căng, đã đánh mất những sự bén nhạy trước những giáo huấn của Chúa Giê-su, đã loay hoay tìm kiếm, bảo vệ quyền lợi của mình, đã không còn đói khát sự công chính và cứ vậy đi mãi trong tăm tối và lầm lạc … Tâm trạng của những người hưởng thụ, những người duy vật, những người tự mãn với những tiến bộ khoa học và văn minh … trong thế giới ngày nay cũng đang tăm tối trong việc tìm kiếm Thiên Chúa.
3. Là Kitô hữu mà không biết nhạy bén trước những giáo huấn của Chúa và không thao thức cho sự hoàn thiện thì cũng đi trong tăm tối cuộc sống nội tâm của mình.
4. Trong tâm tình Mùa Vọng, bài Tin Mừng hôm nay khơi dậy cho chúng ta niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế đem ơn cứu độ đến trần gian, để nhờ đó, chúng ta thao thức đón nhận ơn Chúa trong hiện tại và tỉnh thức chờ Chúa đến trong giờ sau hết cuộc đời.
5. Khi nghe lời Chúa dạy giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta đừng cố chấp trả lời tôi không biết, tôi không hiểu, để rồi miễn chước cho mình việc thi hành.
6. Nơi Đức Giê-su Ki-tô và giáo huấn của Người, chúng ta có khi chai đá trong thái độ cứng tin, cố bóp méo sự thật về con người của Chúa và tìm cách giảm khinh các lời giáo huấn và việc làm của Người, thái độ đó khiến chúng ta tự tách mình ra khỏi ơn cứu độ quý giá của Chúa.
7. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón tiếp Chúa. Vì thế bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta rút kinh nghiệm về sự cố chấp của người cầm đầu dân Do Thái không tin nhận Chúa Giê-su để nhờ đó, chúng ta tỉnh thức, nhạy bén và ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của Mùa Vọng mà sửa soạn tâm hồn và đời sống đón mừng Chúa đến.